Bình Thuận: Nhiều hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã có 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 02 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao; 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng kênh phân phối để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian qua các cơ quan ban ngành, trong đó có Sở Công Thương đã hỗ trợ các chủ thể OCOP trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Một gian hàng sản phẩm OCOP
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP
Đến nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm của 06 doanh nghiệp được bày bán tại siêu thị Co.opmart Phan Thiết; 20 sản phẩm của 02 doanh nghiệp được bày bán tại siêu thị Co.opmart La Gi; 10 sản phẩm của 02 doanh nghiệp được bày bán tại siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thương mại điện tử đối với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh. Hỗ trợ và xây dựng 02 điểm bán sản phẩm OCOP tại tỉnh nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng, đặc sản của tỉnh đến người dân trong và ngoài tỉnh. Mở lớp tập huấn cho các chủ thể về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bảo vệ môi trường…
Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo để trưng bày sản phẩm, thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mở rộng thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường; tập trung vào các thị trường lớn, tiềm năng.
Nhiều sản phẩm OCOP tại Bình Thuận được người tiêu dùng đánh giá cao
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận – Lâm Đồng, tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia tìm kiếm đối tác bạn hàng, cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Hỗ trợ các chủ thể OCOP của tỉnh tích cực tham gia quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ xây dựng Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, điểm bán hàng OCOP tại điểm phục vụ du lịch, nơi khách du lịch thường xuyên đến tham quan, nghỉ dưỡng và tại thành phố Phan Thiết nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
Đối với các chủ thể OCOP cần chủ động liên hệ, trao đổi thống nhất với các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi để sản phẩm được trưng bày và tiêu thụ, tích cực hoàn tất các thủ tục, giấy phép theo quy định đáp ứng điều kiện trong giao dịch thương mại, ký kết hợp đồng giữa các chủ thể và các doanh nghiệp phân phối, nhất là phương thức thanh toán, vận chuyển. Cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhãn mác bao bì theo hồ sơ sản phẩm đã được công nhận OCOP.
Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tạo điều kiện để sản phẩm OCOP được đưa vào siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, đảm bảo quy định về nhãn hàng hóa sản phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm theo quy định. Chuẩn hóa quy trình sản xuất, đóng gói, các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, tem, nhãn hàng hóa của sản phẩm khi đưa vào kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi theo quy định để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh thực hiện.
Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại
Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025, các Sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đưa vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đối với các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Các sản phẩm OCOP của Bình Thuận đều được chăm chút từ bao bì đến chất lượng
Tiếp tục vận động các chủ thể OCOP chủ động, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có việc trưng bày và bán sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hàng năm, trong đó chú trọng nội dung nâng cấp hạng sao cho các sản phẩm OCOP hiện có để các sản phẩm OCOP Bình Thuận ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể bổ sung, hoàn thiện các thủ tục, giấy phép trong lĩnh vực quản lý để các chủ thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các nhà bán lẻ, các nhà phân phối.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương Bình Thuận) đã triển khai khá nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Trong đó có chương trình Xúc tiến thương mại xuất khẩu thông qua việc góp mặt ở Hội chợ thương mại Quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2023.
Quý III/2023, Trung tâm kết nối, vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm thương mại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (được tổ chức tại Đà Nẵng), Hội chợ triển lãm, thương mại công thương cấp vùng khu vực Đông Nam bộ năm 2023 (tại Bình Dương), Hội chợ Festival thương mại nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tại Vĩnh Long). Mới đây cũng đăng ký thực hiện gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm địa phương ở Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh (tháng 10/2023), Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2023 tại Cần Thơ, Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại - Giới thiệu sản phẩm OCOP và ẩm thực Tiền Giang (tháng 11/2023)…
Liên tục trong các tháng cuối năm, Sở Công Thương Bình Thuận đã kết nối, hỗ trợ để các doanh nghiệp, cơ sở tham gia Ngày hội sản phẩm đặc trưng – nổi tiếng An Giang và các vùng miền năm 2023 nhằm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa An Giang, sản phẩm làng nghề, khởi nghiệp, dịch vụ – du lịch… tạo cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu trên lĩnh vực thương mại – du lịch và đầu tư giữa các đơn vị trong nước và nước bạn Thái Lan, Campuchia; Ngày hội tổ chức từ ngày 06-10/12/2023, dự kiến thu hút 200 gian hàng.
Tiếp đó là Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023 diễn ra từ ngày 21-24/12 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ - quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó bao gồm: Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; Hội nghị kết nối sàn thương mại điện tử Tiki (thị trường nội địa); Hội nghị kết nối sàn thương mại điện tử Alibaba (thương mại điện tử xuyên biên giới); Kết nối B2B tập trung; Kết nối B2B chuyên đề theo địa phương; Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của các địa phương, vùng miền…
Mắm là sản phẩm OCOP đặc trưng của Bình Thuận
Dịp này, các sở ngành chức năng của thành phố cũng phối hợp Công ty TNHH Tiki xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” trên sàn thương mại điện tử Tiki. Như: Trưng bày và bán trực tuyến tối thiểu 1.000 sản phẩm OCOP (ưu tiên sản phẩm đạt 4 - 5 sao của các tỉnh, thành trên cả nước), xây dựng gian hàng trực tuyến của từng địa phương, chọn sản phẩm tiêu biểu của mỗi địa phương để đầu tư, triển khai chương trình khuyến mãi… Bên cạnh đó còn tổ chức các sự kiện giới thiệu đặc sản vùng miền nhằm quảng bá, kết nối cung cầu, phân phối sản phẩm tại điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận thì đây là cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Thông qua đó kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước cũng như kết nối với nhà phân phối, sàn thương mại điện tử trong, ngoài nước… Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chào bán sản phẩm, kinh doanh trên nền tảng online để qua đó kết nối nhà nhập khẩu nước ngoài, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm…
Thời gian qua, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã phối hợp Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) xây dựng sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, có địa chỉ: sanphamdiaphuong.com.vn. Thông qua đó tập trung quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương cũng như kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng 3 tỉnh. Hiện sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng thu hút 54 doanh nghiệp đăng ký gian hàng với hơn 150 sản phẩm/dịch vụ… Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm OCOP tại Bình Thuận ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ, đến với nhiều hơn người tiêu dùng trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Ngày 09 tháng 11 năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 3799/KH-UBND thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80-130 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 3-5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.
- Hằng năm củng cố và nâng hạng từ 10-15 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
- Kiểm tra và cấp lại chứng nhận sản phẩm OCOP hết hạn.
- Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng và củng cố ít nhất 30% tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị và xây dựng 03 dịch vụ du lịch cộng đồng.
- Xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Bình Thuận; phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…); phấn đấu đến năm 2025 phát triển 04 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, giao thương trọng điểm của tỉnh.
- Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong chu trình OCOP và tiến đến giám sát và quản lý sản phẩm OCOP bằng các công cụ chuyển đổi số.
Theo nguồn của Tạp chí Công Thương